Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Thân bệnh

Than benh
Minh họa: Đỗ Hoàng Tường
Gã nằm ngửa, cổ kê trên chiếc gối gấp lại. Mắt mở nhìn ngọn đèn trần. Thân hình chìm dưới tấm chăn màu gỉ đồng, ngọ ngoạy đôi chút như để chứng minh sự tồn tại của một con người với lũ muỗi vo ve quẩn quanh bên mép chiếu. Gã muốn ngồi dậy, muốn vươn tay đến đầu tủ lấy cuốn sách mà người đàn bà được gọi là vợ đã đặt trên đó sáng nay.
Khổ! Gã cảm thấy bất lực khi thân hình ấy lại dường như quá nặng, không chịu cựa quậy hay cố bò đến chân tủ. Ngay cả nghiêng qua để phần lưng tê cứng được một chút thoáng đãng với không khí cũng đã là chuyện khó làm.
Gã không biết có cái gì như mũi dùi cứ chọc sâu vào bên dưới xương bả vai. Mũi dùi nhọn và sắc lẹm khiến vết đâm đau hun hút. Ngó ngoáy một tí đã nhói buốt. Cựa quậy toan làm vài ba động tác thư giãn, cơn thốn đã hộc lên tới óc. Cái đau tựa luồng điện, vụt xoáy vào giữa xương sống, truyền tức thì theo kinh mạch chạy khắp. Co cụm như bào thai, rúm ró thân hình theo cơn đau, gã lần lượt nếm trải không ít hơn ba trận đau như thế mỗi ngày. Thậm chí đôi khi giữa đêm quằn quại một mình chống chọi; ngất rồi tỉnh, tỉnh rồi ngất. Tỉnh tỉnh mơ mơ, gã không biết mình còn hay mất giữa chốn mê man huyễn hoặc. Khi rạng ngày, mở mắt dậy thấy thấp thoáng chút ánh sáng qua khe cửa mới nhận ra ta vẫn còn đây, vẫn còn ngửa mặt cười mếu với bọn thằn lằn chạy lăng quăng trên trần nhà màu xám.
Không biết gã đã nằm từ bao lâu. Một buổi sáng, choàng tỉnh giữa cơn mê bị rơi từ trên đỉnh núi nhọn hoắt xuống vực sâu hút bằng một tốc độ kinh hồn, cùng một người đàn bà trần truồng giữa lúc đang cùng gã hối hả lao vào cơn đam mê cuồng nhiệt. Gã đã hét lên khủng khiếp vì xưa nay vẫn là một tên nhát độ cao. Thân mình lớp nhớp mồ hôi lạnh toát, gã cựa mình ngồi dậy thì bất chợt đổ dụi xuống giường. Cánh tay trái mất cảm giác, một cơn đau dữ dội dưới bả vai thúc ngược vào ngực, ép chặt nhịp tim, chạy dọc xương sống, xuyên thấu buồng phổi khiến gã gập mình lại trên đầu gối, trợn mắt thét gọi tên một người. Khi ấy gã cũng không nhận ra mình đã gọi tên ai. Chỉ cần một cái tên. Một tên người giữa cơn đau đủ để không quá lẻ loi ! Nhưng chẳng có ai để nghe ra tiếng gọi thất thanh của người đàn ông cô độc. Chẳng có một mảy may người để cảm nhận tiếng gọi thống thiết của con gấu bệnh giữa thời khắc ngủ đông. Gã đổ gục trong buổi sáng hôm ấy, bất tỉnh một mình trên chiếc giường hiu quạnh.
Than benh
…"Bây giờ, những thước phim đời cuộn qua, những khóc cười rồi lui vào hậu trường trả lại cho sân khấu thứ bóng tối lặng thinh. Nằm vùi thân bệnh không một kẻ sang hèn ghé thăm; không một tình yêu tình ghét, không một bỉ khinh cũng không một tán tụng; thậm chí cả những chửi bới ngông cuồng ngày xưa cũng tắt bóng"… Những mô tả tâm trạng một cách sắc sảo, nhiều khi như "con dao phẫu thuật" lách sâu vào những ngóc ngách tâm hồn, khiến người đọc lặng theo từng dòng chữ của Vũ Thiên Xứng. Truyện không có "câu chuyện làm quà", nhân vật một vài không tên tuổi, không đối thoại. Nhưng dư âm truyện lại có phần dữ dội, khi nhân vật chính từ bỏ đám đông, người thân; một mình chống lại nỗi đau quằn quặn trong thân thể. Cũng chẳng nói rõ là bệnh gì. Chỉ biết thân bệnh, mà tâm thì lành: là tấm gương đã được lau lại lần cuối để rọi bóng mình vào đó. Biểu tượng tấm gương Tâm này không nói ra một cách lộ rõ, nhưng chi tiết sử dụng đắt giá cuối truyện cho ta thấy điều đó: cuốn sổ dùng để ghi chép cuối cùng để giấy trắng. Không một dòng chữ nào để lại. Viết gì đây? Một đời người không phải là không có cái để viết. Nhưng, có lẽ là viết không hết. Không giấy vở, bút mực nào nói hết chuyện đời người. Thà để giấy trắng như gương soi. Tự biết rồi ra đi.
Thân bệnh là một truyện viết có nghề, hơi văn tuy cũ nhưng không giả, cũng không lên gân, gắng giọng. Một truyện ngắn, đủ ngắn về sự chặt chẽ và đủ dài về ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Trần Nhã Thụy
Khi gã tỉnh dậy, vẫn căn phòng vắng lặng; vẫn ngọn đèn thao thức. Chiếc ly không chỏng chơ ngã ngửa trên mặt bàn, cạnh mẩu bánh mỳ khô quắt. Cánh cửa tủ để ngỏ, phô bày những ngăn trống hoác buồn tênh. Vài chiếc áo quần bẩn vắt ngang thành ghế, bừa bộn sách vở bút viết đầu giường. Không gian nhỏ nhoi lặng lẽ như chưa từng xáo trộn. Thời gian mất hút tận cõi nào hay còn ngập ngừng ngoài khung cửa, chẳng biết có cần bước vào cho rộn lên chút thanh âm của tháng năm!? Gã thở mạnh, để biết chắc "ta còn là ta"; xong cố bò dậy, lết đến cửa buồng tắm. Mở vòi sen cho nước xịt mạnh lên đỉnh đầu, gã lúc lắc cổ, cắn răng nén chặt cơn đau đang lừ đừ trở lại. Khó nhọc trút bộ quần áo ướt sũng xuống nền nhà; gã rút chiếc khăn lông dưới đống nhàu nát, quấn vào tấm lưng trần đang run bần bật vì cố cưỡng lại cái lạnh và cơn đau co rút. Chiếc khăn bướng bỉnh rơi tuột. Giơ bàn tay xanh xao lẩy bẩy áp chặt vào ngực; gã há hốc mồm thở gấp như cá mắc cạn, khuỵåu chân ngay bên thành giường, trần truồng ngã lăn ra bất tỉnh.
Gã mở mắt. Nhưng lần này ấm áp và êm đềm hơn dưới tấm chăn màu gỉ đồng. Chiếc đèn ngủ đã tắt, không biết vì cháy bóng hay đã có một ai đó nhón tay. Mẩu bánh mỳ khô cũng giã từ mặt bàn, nhường chỗ cho một túi xốp chất đầy sữa hộp, bánh bích quy, cam táo và cả một mớ thuốc men lỉnh kỉnh, đến cả chiếc đồng hồ nằm giấu mặt sau lưng máy đánh chữ cũng đã được chỉnh giờ đặt ngay ngắn trên bàn viết. Nói một cách hân hoan, có ai đó đã nhặt được chủ nhân căn nhà và lũ vật dụng của gã từ sâu thẳm bóng tối, lên giây cót và đặt trở lại vị trí có vẻ xứng đáng hơn. Nhưng, ai thì gã không biết, hoặc nói đúng hơn là không muốn biết. Vì đã từ lâu lắm rồi, gã đã rút lui về một xó xỉnh xa lạ, không còn giữ liên hệ với gia đình, bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp.
Vậy mà trong lúc bất tỉnh nằm trần truồng giữa đôi bờ sinh tử, một ai đó đã gắp gã như chiếc chả giò thiu, đặt trở lại đĩa bàn ế ẩm. Một con người đích thị, mà phải là một con người giống cái. Bởi chỉ có đàn bà mới xót thương bọn nửa người nửa ngợm như gã đây. Chỉ có những trái tim yếu đuối nhưng bao la như biển mới đủ sức chứa những kẻ không đơn giản là con người. Gã đau lòng khi nhận ra không hiểu bằng cách nào, một người đàn bà đã tìm đến được chốn hiu quạnh này, mà đó lại chính là người đàn bà được gọi là vợ. Vợ của gã. Người đàn bà bất hạnh nhất trong những người đàn bà từ lâu gã cố tình quên lãng. Có lẽ trong một giây xuất thần nào đó, giác quan thứ sáu đã mạnh mẽ trỗi dậy, hay ma đưa quỷ dẫn khiến cô tìm ra hang ổ của gã đúng lúc; để sau đó phải một mình ì ạch xốc tấm thân trần truồng nặng chịch của gã lên giường. Mặc quần áo cho gã, chạy tìm điện thoại công cộng, mời bác sĩ đến và sau đó còn mua sắm đủ thứ linh tinh, thuốc men, thực phẩm... Và bây giờ, cô đang đứng cạnh giường, nhìn gã bằng đôi mắt chứa chan tình thương xót.
Quả là đàn bà! Chỉ trong vài giờ mọi thứ đã đâu vào đấy. Một bát cháo nóng hôi hổi được ân cần kê sát mũi người đàn ông vừa mò mẫm trở lại từ bóng tối. Gã rất muốn ngồi dậy để đỡ lấy bát cháo (như trước kia, gã vẫn không thích thấy vợ phải phục dịch mình) nhưng tay gã run quá. Lại còn cái mệt khủng khiếp khiến thân xác rã rời. Mồ hôi trán ướt đẫm làm cái nhìn cũng mờ mờ ảo ảo. Lực bất tòng tâm, gã đành để vợ bón cho từng muỗng cháo, đút từng thìa nước.
Gã nằm như thế. Như trẻ sơ sinh chòi đạp trong chiếc giường số phận. Không một ai ngoài người vợ bất hạnh mỗi ngày vài tiếng tranh thủ chạy về lo thuốc thang, lau rửa và cơm nước cho gã. Cô muốn đưa gã vào nhà thương; nhưng gã nhất định không chịu. Gã quá rõ bệnh của mình đã từ nhiều năm trước. Hơn ai hết, gã cảm thấy cơn đau lần này sẽ bòn rút gã đến cùng. Không thể bắt vợ phải hy sinh, cho dù cả hai chưa ly dị chính thức. Gã biết vợ không thể chịu đựng nổi tốn kém về chi phí chữa bệnh ở nhà thương dài hạn; gã cũng biết hai đứa con nhỏ mỗi tháng ngốn gần sạch khoản lương giáo viên của cô. Thôi thì quy cho lão Tạo. Muốn thế nào tùy ý. Chí ít gã cũng cảm thấy chết ở nhà dễ dàng và ấm áp hơn hẳn ở nhà thương lạnh lẽo.
Được nước, lão Tạo lại phạt gã phải nằm trên chiếc giường buồn bã ấy rất lâu. Thậm chí gã không biết thời gian có tồn tại không, hay chỉ là những giọt tí tách vô nghĩa, một thứ thời gian mơ hồ, thực hư lẫn lộn!? Đôi khi, gã rơi tõm vào một thế giới xa lạ; cảm nhận những cảm xúc vừa lạ lùng vừa thân quen. Trong cơn mê sảng gã luôn thấy mình khắc khoải tìm kiếm một người. Cũng có thể không là ai cả. Chỉ là ảo ảnh, có thể là một cái bóng câm nín ngồi thu lu trong góc tối, hay cái thân thể trắng muốt cùng rơi hun hút trong hỗn độn ý thức? Nhưng mỗi khi tỉnh dậy, gã lại rũ buồn. Và người chịu đựng những cơn buồn bất động ấy lại chỉ là vợ gã.
Không hiểu việc gã đột nhiên mất tăm mất tích, có hay không ảnh hưởng đến bạn bè và những cuộc vui đời; mà đôi khi gã như nghe thấy toàn những lời trách móc, buộc tội. Trốn tránh hay từ khước những cuộc chơi, những chốn phù hoa, những khuôn mặt đối với gã cũng chỉ là một. Bỏ đi như một người tình quất ngựa truy phong sau cuộc mây mưa đã tỏ. Đâu đó ngập ngụa những lời bình phẩm ác nghiệt, đâu đó một vài xì căng đan thổi bùng lên trong dư luận. Có lúc gã cũng lặng lẽ gậm nhấm một vài "huyền thoại" về "cái tôi" đáng ghét của gã, mà một ai đó trong cõi nhân gian "ân cần thêu dệt". Có lúc gã như bị bão hòa phản ứng, tê cóng bất động. Thảng khi điều đó khiến gã đau xót, thảng khi cho gã một cái nhếch cười buồn tênh.
Bây giờ, những thước phim đời cuộn qua, những khóc cười rồi lui vào hậu trường trả lại cho sân khấu thứ bóng tối lặng thinh. Nằm vùi thân bệnh không một kẻ sang hèn ghé thăm; không một tình yêu tình ghét, không một bỉ khinh cũng không một tán tụng; thậm chí cả những chửi bới ngông cuồng ngày xưa cũng tắt bóng. Gã chợt nhớ đến những con người, những cái tên, những khuôn mặt. Này A, này B, này Y, này Z... Những mặt dài mặt ngắn, những thù tạc đêm thâu vui buồn chất ngất. Mỗi một ngăn ký ức chứa đựng vô số mặt nạ khóc cười. Mỗi một mặt nạ lại ẩn chứa trong nó những bề trái phải, trong ngoài, nông sâu. Gã cảm thấy từng nhân vật, cảm nhận từng cái nhìn, từng lời nói vây quanh như chiếc lưới mềm chụp lên toàn bộ gã. Gã mơ màng cảm giác chạm đến, nắn nót từng bàn tay. Những bàn tay có thể ấm áp hay lạnh lùng, nồng nhiệt hay lơ đãng, trơ tráo hay đầy cảm xúc. Những bàn tay có tiếng nói riêng của từng số phận. Những bàn tay bạn bè, người tình với đặc điểm của từng tính cách vây quanh, ôm ấp gã trong nỗi nhớ tràn trề. Thực là một sân khấu vĩ đại, hoành tráng, bi hùng nhất mực của thế giới con người.
Và cũng trong cơn hồi tưởng đầy ắp hình ảnh, gã bỗng quặn đau khi nhận ra mình vẫn khắc khoải lục lọi ký ức chỉ để tìm kiếm một con người. Một cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện như chưa bao giờ thực sự nhìn thấy, chưa bao giờ thực sự chạm vào nhưng lại quá chừng điên cuồng nhung nhớ. Cũng chính là cái bóng đã xô đẩy và cùng rơi với gã từ trên đỉnh cao nhọn hoắt xuống tận vô cùng, trong giấc mơ khủng khiếp.
Không thể nhờ vả ai, gã cố gắng đưa tay vói tìm một quyển sổ màu đen gối trên đầu giường. Bàn tay không tuân thủ ý chí, cứ chơi vơi trong một cử chỉ mơ hồ. Gã khó nhọc nhìn ngược lên, quyển sổ vẫn nằm ngay trên đầu. Chỉ cần nhích lên một chút gã đã có thể chạm tay vào bìa sổ lạnh mát. Gắng hết sức, gã trườn mình, quyển sổ lọt thỏm dưới mái tóc bết mồ hôi. Áp má vào bìa sổ, gã mơ màng thả hồn trôi về quá khứ; lần giở bằng trí tưởng tượng lại từng lời nói, từng dòng chữ quen thuộc ghi trong quyển sổ. Những đoạn thơ, xen lẫn những cảm nhận về cuộc đời, về tình yêu đều được nàng ghi lại trong quyển sổ ấy. Chiếc bóng lẩn khuất bấy lâu trong đầu, bỗng chốc hiện rõ mồn một. Chiếc bóng tưởng lãng quên nay lừng lững trở về, cùng quá khứ ngồn ngộn tình yêu và chán chường, tuyệt vọng. Một quá khứ dồn dập đam mê cháy bỏng, cùng nỗi khắc khoải, dằn vặt mà gã đã hơn một lần cố quên, cố tình chối bỏ. Thứ quá khứ gây váng vất, điên cuồng như bước hẫng vực thẳm nhưng quyến rũ chết người và day dứt khôn khuây. Gã lặng lẽ nghe mình khóc. Khóc ngọt như một đứa trẻ đánh mất thiên đường. Tiếng khóc câm nín đột ngột òa vỡ giữa không gian im ắng, rền rỉ trong cô độc thê lương. Con chuột nhắt đang gặm miếng bánh cũ dưới chân giường giật mình, ngó quanh thảng thốt.
Đêm hôm ấy gã ra đi. Có vẻ nhẹ nhàng và không mấy đau đớn (hay nỗi đau thể xác đã đến mức không còn gì để hơn). Trong lúc lo việc tang, người vợ nhặt được quyển sổ bìa đen, mở ra xem, trước khi cho hỏa táng. Thoạt lật những trang đầu, cô đã ngạc nhiên vì chẳng thấy ghi chép gì cả. Cho đến hết quyển sổ, cũng chỉ thấy một màu trắng buồn bã.
Vũ Thiên Xứng
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)



===========================================================
XEM VIDEO ASUS FONEPA

Nhớ em họ - Truyện ngắn của Vũ Thiên Xứng

Anh đón cô ở sân bay, đưa về nhà nội. Cô nhận ra ngay khi anh toét miệng cười. Trông anh giống hệt bức ảnh bố cô lúc trẻ, giống đến nao lòng. Nhất là nụ cười. Vừa rạng rỡ như mở toang mọi cảm xúc, vừa buồn buồn, như ẩn giấu một thế giới nội tâm bí ẩn. Bố cô là em út của mẹ anh, vì thế anh em họ cũng khá giống nhau. Tuy nhiên cô có đôi mắt nâu mơ màng và mái tóc dài màu hạt dẻ còn đôi mắt anh lại đen và sâu thẳm. Anh cao lớn hơn bố cô, vóc người thể thao và ăn mặc khá bụi bặm.

Đại gia đình những ba mươi sáu người khiến Quỳnh Hương không tài nào nhớ hết tên. Những ngày đầu cô gọi lầm lung tung, duy chỉ tên anh cô không bao giờ lầm, có lẽ vì anh là người tiếp xúc với cô qua email nhiều nhất ngay từ khi hai người chưa gặp nhau. Thiên Di, cái tên có ý nghĩa thật lãng mạn. Anh nói mẹ đặt tên này cho anh từ sau khi đọc tác phẩm "Hoàng tử bé" của Saint Exupery.

Tên đẹp như thế, mà mỗi khi nghe khen anh chỉ cười. Cô thắc mắc tại sao anh thường chỉ cười thay cho một câu trả lời, anh nói muốn hiểu sao cũng được . Nhưng, đôi mắt anh lại cứ buồn ngay cả khi cười.

Một lần ngồi trong quán cà phê cô hỏi anh có bị thất tình không mà sao mắt buồn thế. Anh lắc đầu nói chưa yêu ai lấy gì thất tình. Cô không tin nhưng thấy hình như anh nói thật. Ở Augsburg, thanh niên bằng tuổi anh chí ít cũng vài mối tình qua tay… Chẳng phải chính cô cũng đã có Thomas Gesker sao.

Mặc dù ở nhà nội thiếu tiện nghi và có đến 3 thế hệ chung sống nhưng mới bước vào Hương đã thấy thích. Đó là một căn nhà ngói cũ kỹ với vườn cây. Một khu vườn không lộng lẫy đầy màu sắc như vườn nhà ngoại ở Hannover, nhưng xanh thẳm và thơ mộng. Vừa nhìn thấy Quỳnh Hương, bà nội đã ôm cô vào lòng nước mắt rưng rưng: "Cha bố cô, mấy mươi năm mới được nhìn thấy cháu nội !".

Bà nội vừa khóc vừa cười, khoe hai hàm răng đen nhánh: "Cứ tưởng thằng bố mày đợi ông bà mất mới cho cháu về "... Chưa hiểu nhiều tiếng Việt nhưng Quỳnh Hương vẫn cảm nhận được vòng tay ấm áp, đôi mắt sóng sánh yêu thương và một mùi hương đặc biệt từ bà (sau này cô mới biết đó là mùi trầu cau). Cái mùi thật lạ lùng, nồng nàn và thơm cay...

Quỳnh Hương cũng yêu ông nội. Có lẽ bố hao hao ông nội lúc này và sẽ rất giống vào hai mươi năm sau. Dáng thanh mảnh như một chiếc lá trúc, ông nội cũng có vầng trán rộng, lông mày rậm, đôi mắt sâu, sống mũi thanh tú như bố, nhưng mái tóc bạc trắng. Ông nội là người trầm lặng, thích đọc sách.

Ngoài giờ tập thái cực quyền, chăm sóc cây trong vườn, ông đọc sách suốt. Ông nội còn là một thầy đông y giỏi. Tuy đã về hưu ông vẫn tự tay cắt thuốc và châm cứu cho bất cứ người bệnh nào cần ông.

Những ngày ở nhà nội là những ngày tuyệt vời trong đời cô gái tuổi đôi mươi mang hai dòng máu Việt Đức. Cô được nghe những câu chuyện từ thời ông bà còn trẻ ở ngoài Bắc. Những câu chuyện hoàn toàn lạ lẫm với cuộc sống và nền văn hóa Đức mà cô thụ hưởng từ mẹ và bà ngoại.

Qua việc trò chuyện mỗi ngày với gia đình, cô nhanh chóng nói được tiếng Việt khá thạo chẳng bù gần hai mươi năm học với bố mà cô vẫn ngọng nghịu. Các anh chị dạy cho Hương hát bài dân ca Trống cơm, Qua cầu gió bay… và cả nhạc Trịnh Công Sơn nữa.

Sài Gòn tuy hơi lộn xộn và ồn ào kinh khiếp nhưng tươi trẻ và ngộn sức sống. Cô thích ngồi sau chiếc mô tô của anh, chạy qua từng con phố, qua những con đường nhỏ với hai hàng cây xanh, hoặc ngồi quán cà phê vỉa hè thực tập trò chuyện bằng tiếng Việt với bạn bè của anh và ngắm người qua lại.

Ở đây cô được nhìn, nghe, cảm nhận vô khối vấn đề mà trước kia cô chưa bao giờ được trải qua. Cô thích hoa sen, anh nói đó là một loại cây đặc biệt vì vẻ đẹp thanh khiết và tính năng tuyệt vời trong ẩm thực và y học. Có một lần, anh dừng lại trên phố mua cho cô một bó hoa và mấy gương sen còn nguyên cành.

Anh dạy cô cách tách những hạt sen thơm, bóc vỏ, bỏ nguyên hạt còn đắng vị tim xanh vào miệng. Anh nói, hồi nhỏ ông nội cho anh ăn như thế để bổ tâm (có lẽ nhờ vậy - anh nói - trái tim anh luôn vững vàng trước sự cám dỗ của bọn con gái !?).

Nhân dịp nghỉ hè, gia đình giao cho anh nhiệm vụ đưa Quỳnh Hương đi du lịch xuyên Việt. Gần một tháng lang thang với anh từ Nha Trang ra Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hà Nội, rồi từ đó đi qua Hải Dương để về Hạ Long. Chiếc thẻ nhớ 2G trong máy của cô đã đầy hình ảnh và kỷ niệm. Hạ Long, điểm đến cuối trong chuyến đi cũng là ước mơ lớn trong đời cô (ông bà nội là người Hạ Long).

Buổi tối đầu tiên xoải người trên chiếc giường rộng thênh, nhìn xuống vịnh qua lớp kính hình bán nguyệt của căn phòng một khách sạn nằm trên sườn núi; cô đã thấy toàn thân run lên trong một cảm giác hân hoan khó tả. Vịnh lấp lánh muôn vàn ánh đèn, hòa với bầu trời đầy sao, như một bức tranh nền đen cẩn đá quý lộng lẫy và bí ẩn.

Trong lúc chờ anh gọi đi dùng bữa tối, cô nằm lặng ngắm bức tranh đen lánh, liên tưởng đến màu răng hạt huyền của bà nội với mùi trầu cau cay nồng; liên tưởng đến màu mắt sâu thẳm của ông nội, của ba, của anh... và thiếp ngủ trong cảm giác mệt mỏi lâng lâng kỳ lạ...

Một tuần lang thang qua những hòn đảo, hang động, bãi biển... Một tuần ăn, ngủ, thở, vui đùa, tắm biển với mênh mông vịnh, với nồng nàn biển và anh tưởng chừng Quỳnh Hương đã quên hết thế gian, quên hết thành phố Augsburg với Thomas Gesker nhạt nhẽo và con phố Mittell buồn tênh.

Cô đã quên ngôi nhà đầy hoa rực rỡ của bà ngoại, khu rừng cạnh nhà, hai con berger dữ tợn như ác thần của ông hàng xóm; quên Sandra, Petra, những quán bar thường đến với Thomas và quên cả bố mẹ! Khi đứng trên bãi cát trắng phau của đảo Titop nhìn ra hàng hàng lớp lớp đảo mẹ, đảo con trong màn sương mờ mờ trên vịnh, cô đã khoái trá nhảy tung lên cao và hét: "Tôi đã đến thiên đường !". Anh đứng sau lưng, đưa máy lên bấm đúng điểm hai tay cô dang ra như một cánh chim giữa trời.

Lúc dùng bữa trưa trên tàu, anh hỏi: "Bao giờ em quay về Đức?". Cô quay lại, nhìn anh một lúc… "Đã đến được thiên đường, sao lại phải quay về ?!"… Cô nói, sẽ ở lại Việt Nam, tìm một việc làm thích hợp rồi… cưới anh ! Anh bật ngửa người trên ghế bố, gối hai bàn tay sau đầu ngước mặt nhìn cô qua màu kính đen và cười !

- "Sao lại cười ?" Cô ngạc nhiên vì nghĩ mình nói thật, rất thật, sao anh lại cười?... Anh vẫn không trả lời, chỉ ngồi dậy lắc đầu cười và xoa đầu cô, như cô là một đứa trẻ chỉ biết nói những điều giản dị. Cô cắn môi, hờn dỗi quay đi.

Quỳnh Hương đem những ý nghĩ trăn trở trong lòng mình nói với mẹ anh khi quay về Sài Gòn. Bác đang bổ dưa hấu bỗng buông dao nhìn cô… bật cười. Lại cười. Cô hơi bực mình, cảm thấy như bị giễu cợt một cách vô lý. Bác hỏi: "Sao cháu lại nghĩ như thế? Anh Di với cháu là anh em họ, mà anh em họ thì không được cưới nhau bao giờ !". Cô nhăn mũi, cãi rằng ở bên châu Âu có một số nước vẫn cho phép họ hàng lấy nhau.

Bác ôm cô vào lòng, xoa đầu và dịu dàng nói: "Đạo đức của người Việt Nam không cho phép điều đó cháu ạ. Bác biết là cháu thích anh. Nhưng chỉ là tình cảm anh em thôi, cháu đừng nghĩ ngợi nhiều. Khi về lại nước Đức, cháu sẽ thấy mọi điều trở lại bình thường như cũ”...

Rời khỏi tay bác, Quỳnh Hương ngồi lặng thinh, cô bỗng thấy buồn ghê gớm. Buổi tối hôm ấy, cô lấy xe đạp một mình đi ra phố. Mãi nửa đêm anh mới tìm thấy cô trong một quán cà phê quen. Cô ngồi một mình trong góc tối với ly rượu và điếu thuốc cháy đỏ trong tay. Anh kéo ghế ngồi đối mặt, đưa tay chặn điếu thuốc cô đang cầm dí vào gạt tàn. Cô im lặng không phản đối nhưng cũng không nói một lời với anh cho đến lúc cả hai quay về nhà.

Buổi sáng hôm sau, mọi điều gần như trở lại bình thường. Anh lại đưa cô đi chào họ hàng, đi ăn uống với những người bạn của anh và mua sắm trước khi trở lại Đức. Anh đã tặng cô một bộ áo dài và đôi hài thêu rất đẹp. Anh nói để Quỳnh Hương mặc trong ngày lấy chồng. Cô cắn môi : "Không lấy chồng !". Anh nhìn cô, lắc đầu cười. Cái miệng luôn cười nhưng đôi mắt luôn buồn của anh một lần nữa làm cô nhói lòng.

Cô quay đi, nắm tay anh bước hòa vào dòng người đông đúc chung quanh. Suốt ngày hôm ấy, cô cười nói huyên thuyên, hết đòi đi ăn các món ngon, lại quay sang vòi vĩnh anh mua cho đủ thứ về làm quà cho bạn bè.

Buổi tối tiễn cô ra sân bay về Đức gia đình cùng ngồi xe 16 chỗ, riêng cô nhất định đòi anh chở bằng mô tô. Ngày có áp thấp nên trời se lạnh, cô vòng tay ôm eo anh như mọi lần. Cô ngả đầu vào vai anh, nín thinh, mái tóc dài xổ tung theo gió, luồn vào cổ anh buồn buồn. Tự nhiên anh thấy nhói lòng, muốn dỗ dành cô vài câu, nhưng rồi lại thôi... chỉ đặt tay lên bàn tay của cô xiết nhẹ.

Đến giờ vào phòng cách ly cả nhà nói lời từ biệt, mỗi người một câu khiến Quỳnh Hương nghẹn ngào. Đến anh là người cuối cùng. Cô vòng tay ôm anh, cố nén cảm xúc và chẳng nói một lời. Khi anh vỗ nhẹ lên vai, cô như sực tỉnh, lùi ra, hôn lên má anh một cái rồi quay người đẩy xe hành lý.

Đến ngang khung cửa, ranh giới để vào phòng cách ly cô mới ngoái đầu nhìn lại. Cái dáng thanh mảnh khi ấy trông thật lẻ loi và cô độc. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má, cô đưa tay vẫy chào...

Cuối cùng Quỳnh Hương cũng làm xong thủ tục, lên cầu thang, vẫy tay lần cuối rồi khuất bóng sau lớp kiếng mờ. Gia đình đã lên xe về. Chỉ còn lại mình anh vẫn đứng lặng bên hàng rào ngăn cách, hai mắt cay sè.

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Ngày mưa

     Thức dậy khi cơn mưa đầu tiên rầm rập trút lên mái tôn nhà . Mắt nhắm mắt mở, quơ tay tìm điện thoại bấm xem giờ ... 3g15. Còn quá sớm để thức dậy. Vơ chiếc chăn mỏng quấn vào người, vùi đầu ngủ tiếp.
     Đột ngột cơn đau đến . Xiết chặt lồng ngực ! ... 
     Muốn đánh thức anh nhưng ngại làm anh mất giấc. Lồm cồm bò dậy, mắt vẫn nhắm nhưng rúm cả mặt vì đau. Bò qua chân anh, anh vô thức rụt chân trong khi vẫn ngủ say. Tụt xuống giường ... run rẩy mò tìm hộp thuốc. 
     Khổ ! Những lúc cần tìm một thứ gì lại là những lúc chẳng thấy thứ cần tìm ở đâu ! Thực ra, chúng vẫn nằm đúng ở nơi của chúng... chỉ có chúng ta , người cần tìm lại không thấy được chúng vì nỗi hỗn loạn của chính mình !
     Anh cựa mình. Chắc là thấy tôi (trong ánh sáng mờ của ngọn đèn phòng tắm hắt vào) đang cuống quít lục tung hộp thuốc nên nhắc trong giọng ngái ngủ : "Cần tìm gì thì cứ bật đèn lên đi em !". ... Tôi không trả lời, lập cập bước đến bật công tắc đèn. Đống thuốc xổ tung dưới ánh sáng, vỉ thuốc tim màu hồng nằm ngửa tênh hênh. Tôi chụp lấy vỉ thuốc tách một viên bỏ vào miệng, run rẩy ôm chai nước rót vào ly. Nước tràn cả ra bàn, lại lập cập quơ chiếc giẻ lau vội lau vàng ! ... 
     Anh ngồi dậy, nhìn tôi lo lắng :"Em đau hả ?"
   

Tìm một chốn riêng...

Sáng nay muốn đi xa. Muốn tìm một chốn riêng nào đó ... không nhìn, không thấy, không nghe, không nói với ai - bất cứ ai !
Quay cuồng một mình trong phòng đến 9g ... không biết giải quyết chốn riệng ấy như thế nào ! 
Căn phòng này không phải chốn riêng. Dù đóng kín cửa, dù không chạm mặt, dù không trò chuyện với bất cứ ai trong gia đình ... tôi vẫn bị phải nghe, phải biết tất cả sinh  hoạt chung quanh ! 
Từ tiếng máy xe thỉnh thoảng rồ lên bên hông nhà; từ tiếng nhạc nhẽo phát ra tứ phía; từ tiếng lải nhải, tiếng cãi vã dưới nhà của con cháu thiểu năng, khật khùng; từ tiếng máy bàn phím lạch cạch, tiếng nhạc ì xèo của thàng cháu chơi games permanent phòng bên cạnh; từ tiếng tấu hài, tiếng thuyết minh phim tàu trên truyền hình; cho đến tiếng trò chuyện, tranh luận toàn những vấn đề không ra vấn đề...của chị em gái trên nhà, tiếng chó sủa điên cuồng, tiếng hàng xóm sinh hoạt đủ mọi cung bậc ... hằm bà lằng, mọi thứ âm thanh tra tấn hàng giờ hàng phút ... 
Vào fb, tôi phát ngấy với những stt vớ vẩn của mình và của cả những quan hệ thân sơ ! Phát rồ đến nỗi tung một đống ảnh lên cho thiên hạ bình phẩm ! Khùng điện ... như không thể khùng điên hơn ... ! 
Thế mà ... vẫn không vơi nỗi buồn ngây trong lòng ! 
Buồn ngây dại ! 
Buồn dại ngây !
...
Đọc những stt, những comt của thiên hạ lại còn phát rồ thêm !
Chẳng thể nào thiên hạ có thể hiểu tôi đang nghĩ gì ! Đang cảm thấy gì. Đang nổi điên lên vì cái gì !
Mà cũng có cần gì thiên hạ phải hiểu ?!
... Bức bối quá ! 
Đành lùi vào cái blog điên khùng này để tự kỷ với nó !
Vì rất may là cái blog này chẳng có ai tò mò chui vào lục lọi cả !

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Ai có thể quyết định sự tồn tại của tôi ?

HM nói cô ấy sẽ quyết định tự sát khi nhận thấy tâm hồn mình không còn nở một đóa hoa nào !
Tâm hồn tôi đã không nở hoa suốt mười mấy năm rồi ! ... 
Thế mà tôi vẫn tồn tại ...
Ai có thể quyết định sự tồn tại của tôi ?
Nếu không là tôi thì là ai ? 
Một ông trời nào đó .. một đấng tạo hóa nào đó (mà có ngàn kiếp sau tôi cũng bất tri bất giác) ,,,hay một căn bệnh, một tai nạn, một cú đột tử ... hay đơn giản chỉ là một ống thuốc?!
Không đơn giản ! Mặc dù thực ra để chết thì chỉ cần vài giây là đủ !
...
Hôm nay - Một cơn điên âm thầm nổ tung trong tôi ! Một cơn cuồng nộ âm thầm gào thét trong tôi !
Tôi muốn đi đến một nơi nào đó ... không ai biết tôi, tôi không biết ai ! 
Tôi muốn đi lầm lụi trên một con đường vô tận không có lối rẽ, đi mải miết không cần nhớ, không cần biết, không cần định đoạt một điều gì cho phía trước mắt ! ...
Tôi muốn trở thành hư không !
Cho dù có chết ngay tức thì, tôi cũng chỉ muốn sẽ trở thành hư không ! Đừng có bao giờ tái sinh vào bất cứ một định mệnh nào ... Một hạt cát, một tảng đá cũng không !